Lịch sử sau khi thành lập Vương_quốc_Xơ_Đăng

Sau khi thành lập vương quốc Xơ Đăng, Mayréna quay về Quy Nhơn và thuyết phục chính quyền thực dân Pháp mua lại vương quốc Xơ Đăng đổi lấy độc quyền thương mại cho ông và nhiều lần ngụ ý sẽ nhượng lại cho người Phổ nếu Pháp không mua. Sau khi Toàn quyền Pháp là Étienne Richaud từ chối đề nghị này, Mayréna mượn tiền từ một thợ may người Trung Quốc tên là A. Kong và đặt hàng 1000 bộ đồng phục. Sau đó ông đi Hồng Kông với ý định bán lại vương quốc Xơ Đăng cho người Anh, trong chuyến đi đó, ông dùng hết số tiền vay được từ A. Kong. Cũng như Pháp, chính phủ Anh cũng từ chối đề nghị của Mayréna. Trong thời gian Mayréna ở Hồng Kông, công sứ Quy Nhơn Charles Lemire (1839 - 1912) - một người ủng hộ Mayréna bị cách chức và thuyên chuyển về Vinh, thay vào đó là Edmond Guiomar (1853 - 1890) - một người quyết liệt chống lại sự hình thành vương quốc Xơ Đăng. Sau khi Guiomar làm công sứ không lâu, Khâm sứ Pháp Paul Rheinart (11/1888 - 5/1889) gửi bức thư đề tháng 1/1889 cho Chủ tịch Liên bang Bahnar-Reungao, báo tin công sứ Guiomar sẽ lên Kontum, xác nhận Mayréna như một tên phiêu lưu đã lừa gạt dân Sédangs. Từ nay sẽ không cho Mayréna trở lại vùng cao nguyên nữa[4]. Đầu tháng 4/1889, công sứ Guiomar và phụ tá là Simoni ra lệnh giải tán vương quốc Sédang. Về phần mình, sau khi bị từ chối ở Hồng Kông, Mayréna đi đến Bỉ và thỏa thuận với một người Bỉ có tên Somsy, qua đó Somsy cung cấp vũ khí và tiền cho Mayréna đổi lấy độc quyền khai thác khoáng sản ở vương quốc Xơ Đăng. Mayréna định tuồn số vũ khí này vào Việt Nam với ý định giành lại quyền kiểm soát vương quốc Xơ Đăng. Kế hoạch của ông đổ bể do bị hải quân Pháp chặn lại và vũ khí của ông bị tịch thu với lý do buôn lậuSingapore.

Sau khi kế hoạch giành lại quyền kiểm soát Xơ Đăng đổ bể, Mayréna cải sang đạo Hồi, cưới một phụ nữ người Malaya (nay là Malaysia) và định cư tại đảo Siribua. Sau đó ông đến đảo Tioman, Malaya với hai người bạn là Horace Villeroi và Harold Scott và mất ở đây ngày 11 tháng 11 năm 1890 không rõ lý do. Vương quốc Xơ Đăng coi như không còn tồn tại.